“Bệnh Không Rõ Căn Nguyên” – Làm Thế Nào Để Có Sức Khoẻ Tốt

Đánh giá bài viết

Muốn có sức khỏe tốt trong tay, bạn phải nắm vững các kiến thức về chăm sóc sức khỏe. Trước tiên phải biết điều gì khiến chúng ta mắc bệnh, đó cũng chính là nguyên do phát bệnh. Nếu biết nguyên nhân rồi thì chúng ta có thể đẩy lùi bệnh tật.

Bệnh không rõ căn nguyên

Mấy năm trước tôi có gặp một bà mẹ, bà ấy đưa cậu con trai 16 tuổi vào khám kiểm tra kết quả ở khoa bệnh lý tôi làm. Khoa bệnh lý trong viện là khoa làm nhiệm vụ chẩn đoán. Tất cả các mẫu bệnh phẩm từ các khoa đều được chẩn đoán tại đây, cuối cùng sẽ xác nhận là bệnh gì. Tính chất công việc của khoa này giống như một tòa án, nếu chẩn đoán là ung thư, chẳng khác gì kết án tử hình, nếu là u lành thì giống như án treo, cũng có trường hợp vô tội thì được thả.

Bà mẹ khi xem chẩn đoán của con trai xong thì nước mắt lã chã. Đứa con 16 tuổi do bị một cái u ác tính ở cổ họng mà mất đi hy vọng sống . Bà mẹ hỏi tôi, bệnh này phát sinh như thế nào. Tôi nhìn tài liệu chẩn đoán, xem tuổi cậu bé, lại quay ra nhìn vẻ mặt của người mẹ, tôi cũng rất đau lòng.

Tôi sợ nhất là những bệnh nhân mắc bệnh nan y ở lứa tuổi 15-25, cuộc đời họ chỉ mới bắt đầu, những cay đắng ngọt bùi của thế gian còn chưa trải nghiệm, chưa hưởng thụ cuộc sống, giống như nụ hoa vừa hé đã vội tàn. Tôi thấy điều này sao tàn khốc đến vậy. Khi người mẹ này hỏi tôi như vậy, tôi cũng không biết trả lời thế nào, muốn an ủi bà nhưng chẳng biết phải cất lời ra sao, đành phải đáp: “bệnh không rõ căn nguyên, không biết tại sao lại mắc, coi như là không may vậy.”

Khi tôi lên lớp giảng bài cho sinh viên y khoa ở trường đại học, phần mà tôi thích giảng nhất chính là căn nguyên của bệnh tật, bởi lẽ đại đa số các bệnh lý đều được kết luận bởi bốn từ “không rõ căn nguyên”, nói như vậy thật là đơn giản. Y học phát triển đến hôm nay, vấn đề rất lớn đó là nhận biết nguyên nhân gây bệnh.

Tại sao lại có quá nhiều bệnh phát ra mà không rõ nguyên nhân? Điều này liên quan đến sự phát triển của y học hiện đại. Có một hôm tôi trao đổi về ý tưởng viết một bài luận về bệnh tiểu đường tuýp 2 với một người anh học khóa trên mà tôi rất kính trọng. Tôi nói cho đến thời điểm hiện tại, nhận thức của mọi người về nguyên nhân gây bệnh tiểu đường là không chuẩn.Tôi cho rằng nguyên nhân của bệnh tiểu đường không phải do tuyến tụy hay insulin mà là do gan gây ra. Anh ấy nói ngay với tôi là nếu vậy phải làm thực nghiệm, nuôi chuột bạch và làm mô hình chứng minh.

Chẳng cần làm tôi cũng biết tỷ lệ thành công của thí nghiệm là không cao. Tại sao ư? Mặc dù số người mắc bệnh tiểu đường trong xã hội ngày càng tăng lên, nhưng xét theo tỷ lệ dân số chung thì con số đó vẫn là nhỏ. Vậy tỷ lệ chuột bạch mắc tiểu đường sẽ càng ít hơn khi so với số lượng chuột hiện có. Bạn nghĩ mà xem, chuột ăn gì và người ăn gì? Để chuột bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 quả thật chẳng dễ dàng gì. Muốn chuột mắc bệnh hàng ngày chúng ta phải cho nó ăn những thực phẩm năng lượng cao, nhiều chất béo, nhiều đường, ít đạm, ít xơ. Hơn nữa, chuột có mắc bệnh tiểu đường hay không còn liên quan đến chế độ dinh dưỡng trước đây của nó.

Thực tế cho thấy chế độ ăn của chuột còn cân bằng hơn con người. Cho dù có cho chúng ăn đồ nhiều năng lượng, nhiều chất béo, nhiều đường, ít đạm, ít xơ nhưng vì chúng có một nền tảng dinh dưỡng ban đầu tốt (tức là khi chúng còn trong phôi thai hay trước thời điểm làm thí nghiệm thì gan của chúng vẫn tốt, bởi lẽ chuột được nuôi để làm thí nghiệm có một chế độ chăm sóc rất chu đáo). Trước khi chuột sinh ra và sau khi sinh ra chúng đều sở hữu một lá gan khỏe mạnh, do đó khiến chúng mắc bệnh tiểu đường là rất khó. Một nguyên nhân nữa đó là vòng đời của chuột rất ngắn, cho dù trên lý thuyết hoàn toàn có thể cho chuột mắc bệnh 100%, nhưng bệnh chưa phát ra thì chuột đã chết già rồi. Do đó, tỷ lệ thành công của thí nghiệm này là không thể. Nói đến đây có lẽ bạn sẽ hỏi tôi, trên thế giới có biết bao người nghiên cứu về bệnh tiểu đường, vậy họ lấy gì để thí nghiệm?

Phần lớn họ lấy các tế bào insulin bị phá hủy, nhưng cách làm đó không phù hợp với nguyên lý phát bệnh của bệnh tiểu đường tuýp 2, có vẻ phù hợp với nguyên lý phát bệnh của bệnh tiểu đường tuýp 1 hơn. Nhưng kết quả nghiên cứu đó lại dành cho tiểu đường tuýp 2, do vậy những nghiên cứu đó đã không đúng ngày từ lúc đầu. Nói về nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tôi sẽ phân tích rõ ở phần sau. Tôi đưa ra ví dụ này để muốn nói với bạn rằng y học ngày nay quá cứng nhắc, quá đề cao hình thức, để có được một kết luận nào đó đều phải đưa ra những chứng cứ cụ thể.

Thực ra sự phát triển của y học không chỉ là phát triển của y học thực nghiệm mà quan trọng hơn thế là phải biết xem xét phán đoán dựa trên nền tảng của kiến thức y khoa trước đây. Y học hiện đại ngày nay cần đến những bộ óc và tư duy logic một cách thái quá. Với cách tư duy tỉnh táo và chính xác, chúng ta sẽ dễ dàng biết được nguyên nhân gây bệnh.

Phân loại căn nguyên bệnh tật

Ai trong chúng ta cũng biết bệnh lý chia làm 2 loại là bệnh mãn tính và bệnh cấp tính dựa trên tốc độ phát bệnh nhanh hay chậm, bệnh tiến triển nhanh hay chậm và quá trình mắc bệnh lâu hay chóng. Và nguyên nhân chính để phân ra 2 loại bệnh này là do chúng có những đặc điểm rất khác nhau.

Bệnh cấp tính nguyên nhân rõ ràng, mức độ nặng, tấn công tập trung vào cơ thể người. Ví dụ như nhiễm virut, tai nạn giao thông, ngộ độc thuốc sâu…

Bệnh mãn tính thì nguyên nhân lại không rõ ràng, nguyên nhân gây bệnh phức tạp. Là nguyên nhân do các bệnh nhẹ hoặc do tổn thương lâu ngày tác động lên cơ thể và cuối cùng bị mắc bệnh.

Bạn bị xe đâm là do lực mà xe lao vào bạn quá lớn, đó là biểu hiện bệnh cấp tính. Một cách khác cũng có thể khiến bạn bị đâm vào, ví dụ bạn phải đi qua một hành lang, nhưng trên hành lang rất đông người đứng, bạn đi qua mỗi người họ đều đánh bạn một cái, có người dùng đấm tay đấm(coi là một nguyên nhân gây bệnh), có người lại dùng chân đá (lại một nguyên nhân khác), có người lại dùng gậy đánh bạn (lại một nguyên nhân khác), thậm chí có người lại dùng dây thừng quất (cũng lại là một nguyên nhân khác). Bạn đi qua đám đông đó rất vất vả, cuối cùng không chịu được ngã gục. Vậy bạn có nghĩ được là bạn ngã xuống do ai không? Không xác định được vì bạn gục ngã là do hậu quả của những đợt tấn công khác nhau, là do tất cả những cú đấm cú đá kia tạo nên. Đây chính là nguyên lý mắc bệnh mãn tính.

Uống một hơi hết lọ thuốc sâu, bạn chắc chắn là trúng độc cấp tính, mỗi ngày bạn nhắm từng ngụm “hưởng thụ”, bạn sẽ bị trúng độc mãn tính. Béo phì là bệnh mãn tính, thế nên dân gian mới có câu “ăn một miếng không thể phát phì”. Không phải vì bạn ăn thêm một cái bánh bao hay thêm một đĩa sủi cảo nên béo, mà bạn béo vì hôm nay bạn ăn thêm một ít cái này, ngày mai ăn thêm một ít cái khác, lâu ngày như vậy dẫn đến dinh dưỡng không cân bằng. Do vậy nguyên nhân của bệnh mãn tính khó nói chính xác là gì nhưng lại dễ hiểu tại sao lại bị.

Nguồn gốc bệnh tật – tổn thương

Nếu biết rõ nguồn gốc bệnh, chúng ta có thể tránh được bệnh tật một cách dễ dàng, giúp bản thân khỏe mạnh hơn. Vậy những nguyên nhân gây bệnh đến từ đâu? Thực ra phần lớn bệnh tật bắt nguồn từ việc những nhân tố gây hại từ môi trường bên ngoài phá vỡ đi tính ổn định của môi trường bên trong.

Hình 4

Con người đều ở hai môi trường bên trong và bên ngoài. Môi trường bên trong nghe có vẻ khó hiểu, thực ra đó chính là môi trường mà tế bào trong cơ thể tồn tại. Có thể bạn chưa bao giờ nhìn thấy tế bào, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể hiểu về môi trường bên trong. Bởi vì tôi chắc chắn rằng bạn đã từng nhìn thấy viên gạch, thực ra tế bào cũng giống như những viên gạch vậy, chúng có muôn hình vạn dạng khác nhau, có viên thì lại rất vuông vức. Khi chúng tôi học y khoa ở trường, chỉ có môn giải phẫu sinh lý người thôi mà cũng mất một năm trời, nhưng thực ra đâu có khó đến vậy, cơ thể người cũng giống một tòa nhà. (hình 5).

Hình 5

Bạn thấy đó, các viên gạch được xếp chồng lên nhau theo một thứ tự nào đó cuối cùng sẽ dựng lên được một căn phòng, tế bào cũng vậy chúng được xếp theo một trật tự nhất định rồi tạo nên các cơ quan bộ phận. Ví dụ như gan, do các tế bào gan sắp xếp theo một trật tự nào đó mà thành. Nói đến cơ quan bộ phận chúng ta hiểu ngay là gan, thận, tim, dạ dày….

Các phòng cũng lại sắp xếp theo một thứ tự nhất định thì thành tầng một, còn các cơ quan bộ phận sắp xếp lại với nhau sẽ tạo thành các hệ, ví dụ như hệ tiêu hóa là do các cơ quan bộ phận ghép lại mà thành. Phần trên cơ thể là Phần trên cơ thể là vòm họng -> thực quản -> dạ dày -> đường ruột -> hậu môn.

Đây chẳng phải là đều sắp xếp theo một trật tự nhất định hay sao? Tầng nọ nối tiếp tầng kia mà thành một tòa nhà. 10 hệ lớn trong cơ thể ghép lại với nhau thì thành cơ thể người. Bên trong cũng rất giống nhau. Trong nhà có đường ống nước, cơ thể có mạch máu. Trong nhà có ống thoát nước, cơ thể có thận, bàng quang. Trong nhà có dây điện, cơ thể có dây thần kinh. Nhà không có mắt, chúng ta có mắt, thế nên nhà không di chuyển được, nhưng chúng ta lại đi lại được. Chúng ta chính là những tòa nhà di động. Dùng gạch xây nhà, không phải chỉ đơn giản xếp lên nhau là xong, là thành một tòa nhà lớn.

Hình 6

Giữa các viên gạch với nhau phải có xi măng vữa chát mới thành được. Giữa các tế bào đều có một chất kết dính để gắn kết các tế bào với nhau. Do vậy môi trường bên trong chính là môi trường có các chất kết dính tế bào (hình 6). Môi trường bên trong tốt hay xấu ảnh hưởng trực tiếp đến tính ổn định và chức năng của tế bào. Bạn thử nghĩ xem, ở nông thôn các góc tường nhà vệ sinh thường bị nước tiểu làm ướt, lâu ngày gạch sẽ mủn ra và rơi xuống. Gạch bị mủn vỡ ra không phải do nước tiểu trực tiếp làm hỏng mà do nước tiểu ngấm vào giữa các thớ gạch giống như việc viên gạch bị ngâm trong nước cả ngày vậy. Thời gian lâu dần gạch sẽ bị hỏng.

Tế bào cũng vậy, khi môi trường bên trong có vấn đề thì chức năng các tế bào trong môi trường đó cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vị trí của môi trường bên trong vô cùng quan trọng. Không khí và chất dinh dưỡng được đưa vào từ các huyết mạch không phải trực tiếp cung cấp cho tế bào ngay mà nó được dự trữ ở môi trường bên trong trước.

Đợi đến lúc tế bào có nhu cầu sử dụng thì nó mới lấy từ môi trường bên trong. Chất CO2 và chất thải sinh ra trong quá trình tế bào bài tiết không phải đưa trực tiếp vào các vi mạch mà vẫn đưa vào môi trường bên trong, sau đó các chất thải này mới được thải vào các vi mạch từ môi trường bên trong. Điều này có nghĩa là môi trường bên trong chính là các khoảng trống kẽ hở giữa các tế bào, đây cũng là nơi mà các tế bào và huyết dịch tiến hành trao đổi chất với nhau.

Bạn thấy môi trường bên trong có quan trọng không? Tế bào không giống bạn, bạn có tính khí, tế bào bạn không có ; bạn bị sếp mắng bạn bực mình, khi tức giận bạn tìm đủ lý do để bạo biện, tế bào của bạn không như vậy, bạn chỉ cần cho tế bào một môi trường khỏe mạnh, tế bào nào cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, sau đó lấy đi các chất thải của chúng đẩy ra, như vậy tế bào sẽ trung thành làm việc cho bạn cả đời. Do vậy, để duy trì một sức khỏe tốt rất đơn giản, chỉ cần bảo vệ tốt môi trường bên trong, duy trì tính ổn định của nó thì tế bào sẽ khỏe mạnh, cơ thể sẽ khỏe mạnh.

Môi trường bên ngoài thì lại rất đơn giản. Đó chính là môi trường bên ngoài cơ thể chúng ta, bao gồm ánh mặt trời, không khí, thổ nhưỡng, nước, v..v… Nếu bạn sẵn lòng tìm hiểu kiến thức về kết cấu cơ thể với các tế bào thì bạn hãy đọc phần 3 “ Kiến thức cơ bản về cơ thể người” của cuốn sách này trước.

Hình 7

Vậy bệnh tật đi vào cơ thể như thế nào? Tất cả các bệnh tật đều do các nhân tố gây tổn thương từ môi trường ngoài phá hủy môi trường bên trong gây nên. Có thể rất nhiều bệnh tật mới đầu xem ra chẳng liên quan gì đến môi trường bên ngoài, ví dụ bệnh miễn dịch cơ thể, nghe ra giống như một loại bệnh do vấn đề bên trong cơ thể phát sinh.

Thực ra chỉ cần bạn quan sát kỹ hơn một chút, bạn sẽ thấy nguyên nhân do các nhân tố gây tổn thương từ môi trường bên ngoài đã phá hủy môi trường bên trong. Các tác nhân gây hại cho cơ thể có nguồn gốc từ ba nguồn chính (hình 7), đó là đường tiêu hóa, hô hấp và da. Đường hô hấp sẽ tiếp xúc trực tiếp với không khí và khói thuốc…

Bản thân không khí vốn không có độc tố gì, nhưng khi môi trường bị ô nhiễm thì mức độ ảnh hưởng của nó sẽ tác động đến từng con người. Đường tiêu hóa tiếp xúc với thực phẩm, nước và rượu. Độc tố trong nước và thực phẩm như thuốc trừ sâu cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Riêng da là con đường gây hại mà mọi người ít chú ý đến nhất.

Thực ra khả năng thẩm thấu của da là rất mạnh. Bạn hãy xem chị em phụ nữ, ngày nào cũng thoa lên mặt rất nhiều loại mỹ phẩm, bạn có thấy da mặt ai bị dày lên không? Vì da hút hết vào trong rồi còn đâu. Tôi còn nhớ trước đây ở nông thôn khi phun thuốc trừ sâu người nông dân phải đeo một thùng thuốc sau lưng, một tay bơm một tay chĩa vòi phun thuốc về phía trước. Trời nắng nóng, họ chỉ mặc một cái áo mỏng, vừa phun thuốc vừa đi về phía trước, một lát sau cả vườn bông đã được phun xong, và người trồng bông cũng ngã vật xuống vì trúng độc thuốc trừ sâu.

Người nông dân đó không uống thuốc trừ sâu sao lại bị trúng độc? Đó là vì thuốc phun ra dính vào áo rồi thấm qua da đi vào cơ thể. Hơn thế nữa, da của con người có một đặc điểm là không phân biệt được độc tố trong quá trình hấp thu. Khí độc hay độc tố gì da đều không phân biệt được, nên tốt nhất là đừng để độc tố đó ngấm lên da, chỉ cần ngấm lên da nó sẽ hút hết. Chính vì lẽ đó, hàng ngày rất nhiều độc tố được đưa vào cơ thể qua quần áo và làn da con người.

Như tôi vừa nêu trên, khi bạn hít một hơi, uống một ngụm nước hay ăn một miếng cơm, bạn đều có nguy cơ đang gây tổn thương cho cơ thể, tại sao vậy? Bởi vì trong không khí, nước và thực phẩm có vô vàn những độc tố. Những độc tố này từ đâu đến? Hoặc hỏi cách khác các nhân tố gây hại cho cơ thể từ đâu đến? Nguồn gốc chính là do ô nhiễm. Bạn nghĩ mà xem, 30 năm trước trên đầu chúng ta là trời xanh mây trắng, ngày nay thì sao, ở các thành phố lớn chúng ta rất ít khi nhìn thấy bầu trời xanh trong và mây trắng.

30 năm trước, khi trời trong chúng ta có thể nhìn thấy nắng chói mắt, nhưng ngày nay có nắng cũng không bị chói. Không khí ô nhiễm, để kiểm tra độ ô nhiễm này rất đơn giản, bạn hãy đứng trên tầng lầu nhìn ra xa xem có lớp sương khói nào không, nếu có thì không khí đang bị ô nhiễm, sương càng dày không khí càng ô nhiễm, nếu không có sương thì chứng tỏ không khí trong lành.

Trước đây chúng ta hay nói hôm nay nắng đẹp, trời đẹp, thực ra thì trời nắng nhưng chưa chắc đã đẹp trời, chỉ khi không khí trong lành mới có được trời đẹp. Ngày nay trời chỉ đẹp sau cơn mưa hay sau khi tuyết rơi mà thôi. Trước đây tôi là người rất thích vận động, thường xuyên chạy bộ . Bây giờ tôi không dám chạy bộ nữa và tôi thường đùa vui với các bạn tôi rằng tôi sợ chạy bộ vì tứ chi của tôi to khỏe ra thật nhưng đổi lại tôi sở hữu một lá phổi bị ung thư.

Ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của chúng ta. Hai vệ tinh nhân tạo của hàng không vũ trụ Mỹ là “Aqua” và “Terra” từng chụp một bức ảnh từ vệ tinh xuống khu vực Hoa Bắc của Trung Quốc và cho thấy bầu không khí ô nhiễm phủ kín khu vực phía đông Trung Quốc do ô nhiễm khí thải công nghiệp, và hiện tượng này rất phổ biến ở các khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp tương tự trên lãnh thổ Trung Quốc. Tại sao số người bị mắc bệnh viêm mũi dị ứng, viêm hô hấp, ung thư phổi ngày càng nhiều? Điều này liên quan trực tiếp đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Hơn thế bạn cần biết ô nhiễm môi trường không chỉ tổn thương đến hệ hô hấp mà thông qua đường hô hấp của da và hệ hô hấp, các độc tố sẽ đi vào máu và đưa đến các nơi trong cơ thể người, mở rộng mức độ tổn thương trên khắp cơ thể.

Chất lượng nước chúng ta uống thì sao? Tôi nhớ cách đây 30 năm khi còn nhỏ, trong làng ngoài xóm đâu cũng thấy nước. Làng chúng tôi ở là một điển hình của thôn quê Bắc bộ. Thôn chúng tôi có 1 cái kênh rất to, thôn tôi dài bao nhiêu thì con kênh đó dài bấy nhiêu, kéo suốt từ Đông sang Tây, mà lại rất sâu.

Mùa hè cứ hễ trời mưa nước nhiều dình lên tràn khắp cả kênh, lại còn chảy đầy vào các rãnh nước trong làng, đi khắp các ngõ ngách trong thôn. Vậy mà ngày nay thì sao? Nước trong con kênh lớn đó đã khô cạn, thậm chí còn bị lấp bằng để xây nhà trên đó. Tôi từng có những kỷ niệm đẹp về con kênh đó. 20 năm trước phía đông của làng tôi có một con sông nhỏ, nước không nhiều nhưng chưa bao giờ bị cạn. Trên mặt sông mọc rất nhiều bèo hoa, bèo tấm. Do có lớp thực vật dày như vậy bảo vệ nên cá trong sông không dễ gì bắt được, nhiều tay câu cừ khôi cũng vẫn phải bó tay.

Nhưng em trai tôi rất khôn, vào mùa đánh bắt cứ chiều chập choạng nó lại mang mồi câu quăng ra sông, sáng sớm hôm sau ra xem kiểu gì cũng có cá cắn câu. Nhà tôi hồi đó ngày nào cũng có cá tươi ăn. Đi gỡ cá mắc câu cũng khá vất vả vì cá mắc câu rồi giẫy giụa kinh lắm, dây câu và bèo và cá cứ quấn lại thành một búi rối tung. Phải khó khăn lắm mới gỡ được cá ra. Mặc dù vậy nhưng chúng tôi rất vui sướng, em trai tôi hân hoan suốt cả ngày. Bây giờ con sông đó vẫn còn nhưng nước thì đã cạn khô. Ngày nay vùng phương Bắc Trung Quốc rơi vào tình trạng khan hiếm nước trầm trọng, nước ngầm cũng cạn, kéo theo cả mặt đất cũng bị lún xuống. Ở đây lưu hành câu nói phổ biến là cứ 10 con sông thì có 9 con khô cạn và 1 con bị ô nhiễm.

Phương Nam Trung Quốc có khá hơn không? Quả thật nước ở đây nhiều hơn phương Bắc nhưng đâu đâu cũng thấy nguồn nước bị ô nhiễm. Hàng ngày tivi đài báo internet đều đăng tải những thông tin về hải sản nuôi trồng bị chết hàng loạt do nguồn nước ô nhiễm. Người nuôi trồng vất vả quanh năm giờ đứng nhìn cả đàn cá chết đúng là khóc không ra nước mắt. Bạn hãy nghĩ xem khu vực nơi bạn sinh sống có bị ô nhiễm nguồn nước hoặc thậm chí có những con sông chết do ô nhiễm nặng hay không?

Có biết bao nhiêu nguồn nước vốn trước đây sạch trong thấy đáy giờ trở thành những cái cống lớn hôi thối bốc mùi? Biết bao nhiêu nguồn nước trong xanh biến thành nước đen, nước đỏ, nước trắng, đâu còn non xanh nước biếc thuở nào! Ô nhiễm đã trở thành một thảm họa khó có thể tưởng tượng nổi, nhưng đáng sợ hơn thế, người dân lại dùng chính nguồn nước ô nhiễm đó để tưới tắm cây trồng. Nếu nước ô nhiễm trong sông hồ còn có thể có biện pháp xử lý nguồn nước, chứ ô nhiễm đã ngấm xuống đất rồi thì việc xử lý không đơn giản chút nào. Chắc chỉ còn cách xử lý “nhờ” qua đường ăn uống của con người rồi. Thực tế thì số lượng lớn các chất ô nhiễm độc hại đã xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người ngày nay.

Những vật dụng chúng ta sử dụng cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày cũng là những độc tố nguy hại đến sức khỏe. Chúng ta đang sống trong thời đại hóa mỹ phẩm, quần áo chúng ta mặc là chất liệu sợi hóa học, bột giặt, nước rửa bát, nước lau nhà, nước rửa bồn cầu, nước lau máy hút mùi, sữa tắm, dầu gội… đều là những đồ dùng hàng ngày nhưng lại có nguồn gốc hóa học. Rất ít sản phẩm có khả năng tự phân hủy sinh học. Những độc tố này sẽ xâm nhập vào cơ thể qua da, làm tổn thương cơ thể.

Độc tố trong không khí cũng ngấm qua da đi vào cơ thể. Do vậy ô nhiễm môi trường nguy hại như thế nào cho sức khỏe con người? Hãy xem người dân sống ở đôi bờ những con sông bị ô nhiễm cuộc sống của họ ra sao sẽ rõ. Cho dù chính phủ đã đầu tư không ít kinh phí để xử lý các nguồn nước ô nhiễm nhưng không thể khống chế hết được. Người dân sống ở lưu vực các con sông ô nhiễm tỷ lệ mắc bệnh rất cao và lan rộng như viêm dạ dày, loét dạ dày, viêm da, thậm chí là các loại ung thư. Nhiều trường hợp mắc bệnh như vậy chắc bạn cũng đoán được nguyên nhân do đâu.

Các chất ô nhiễm có thể xâm nhập cơ thể con người qua rất nhiều đường khác nhau, tác động xấu đến các hệ trong cơ thể và gây bệnh. Hơn nữa việc tổn thương này có thể xảy ra bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, do vậy các bệnh tật phát sinh đều do cơ thể bị tổn hại bởi sự xâm nhập các độc tố từ môi trường bên ngoài.

Xem tiếp: “Khả Năng Tự Phục Hồi Của Cơ Thể” – Làm Thế Nào Để Có Sức Khoẻ Tốt

Nguồn: Sách Dinh Dưỡng Học Bị Thát Truyền – Đẩy Lùi Bệnh Tật (Tác giả: Tiến sĩ – Bác sĩ VƯƠNG ĐÀO).

Đánh giá bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *